ALPHA THALASSEMIA: TỔNG HỢP TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

Nhiều bạn đặt câu hỏi: Có phải beta thalassemia là thể nặng hơn alpha thalassemia hay không? Sẽ không thể trả lời câu hỏi trên chỉ với 1 từ Đúng hay Sai vì bản thân mỗi loại đột biến gien trên chuỗi alpha hay beta khi kết hợp với nhau sẽ gây ra các hiện tượng lâm sàng khác nhau. Nhưng một cách tổng quan, thể alpha đa phần là nhẹ hơn thể nặng của beta (βo/ βo).
Đầu tiên, đối với các bạn mới tìm hiểu về thalas, phải hình dung, hồng cầu giai đoạn trưởng thành được cấu tạo quan trọng nhất bởi hai loại chuỗi trong hemboglobin: chuỗi alpha và chuỗi beta, tuỳ thuộc vào bất thường loại chuỗi nào mà ta có 2 loại bệnh Thalassemia: alpha Thalassemia/ beta Thalassmeia.
Nói sâu hơn về alpha thalas, thông thường, con người có 4 gen tạo chuỗi alpha globin trong hồng cầu trưởng thành. Alpha thalas xảy đến khi 1 hoặc nhiều gen tạo chuỗi alpha globin bị mất hoặc bị vô hiệu hoá. Ở đây xảy ra 4 trường hợp:
Trường hợp một gien tạo chuỗi alpha bị mất và ba gien còn lại vẫn tạo chuỗi alpha bình thường thì thường không có biểu hiện gì, nhưng có thể di truyền cho con cháu mình. Đây là gọi là thể ẩn mang gien.
Trường hợp hai gien tạo chuỗi alpha bị mất hoặc dịch chuyển, thường sẽ gây hồng cầu nhỏ và có thể hơi thiếu máu một chút, gọi là alpha thể nhẹ. Nếu hai chuỗi gien bị mất nằm cùng trên một nhiễm sắc thể (NST) gọi là vị trí cis, còn nếu hai chuỗi gien tạo alpha globin bị mất nằm trên hai NST khác nhau gọi là vị trí trans. Người có vị trí trans có thể truyền hai gien bệnh này cho thế hệ tương lai.
Trường hợp ba gien tạo chuỗi alpha bị mất hoặc dịch chuyển được gọi là Hemoglobin H (HbH). Đây được coi là người bệnh và có biểu hiện thiếu máu từ trung bình đến nặng.
Trường hợp cả bốn gien tạo chuỗi alpha đều bị mất được gọi là thể tối nặng và thường gây phù thai (hay gọi là Hb Bart bào thai). Chỉ những trường hợp hi hữu bào thai với tình trạng này có thể sống sót nếu được truyền máu từ trong bào thai và nếu có sinh ra đời cũng sẽ phải truyền máu suốt đời.
Trong kết quả điện di, số phần trăm HbBart có thể cho thấy khả năng trẻ thuộc nhóm alpha thalas nào. Với nhóm 1, thể ẩn mang gien, HbBart thường giao động 1-2%. Với nhóm 2, alpha thể nhẹ, HbBart khi sinh thường dao động 5-6%. Với nhóm 3, HbH thì kết quả điện di khi sinh thường cho HbBart cao trên 25%. Kết quả Hb Bart càng cao thì alpha thalas có thể được dự đoán càng nặng. Còn thể tối nặng Hb Bart bào thai, thì điện di lên đến trên 85% HbBart trong khi không có HbA.
Ở đây chúng ta sẽ bàn về HbH vì hầu như các thể alpha cần điều trị đều ở thể HbH và vô vàn các biến thể của nó. Trước kia, HbH đã từng được coi là một đột biến nhẹ, tuy nhiên các nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy sự phát triển tình trạng thiếu máu ở HbH cũng phức tạp và nghiêm trọng hơn vẫn nghĩ. Điều gì quyết định nên tình trạng thiếu máu khác nhau ở các bệnh nhân HbH? Đó chính là do các đột biến khác nhau trên NST 16 quy định sản xuất chuỗi alpha globin.
Có hai kiểu đột biến gien trên cánh ngắn của NST 16 (gây nên alpha thalas): Đột biến xoá đoạn hoặc là đột biến dịch chuyển. Thường các thể nhẹ của HbH là do các đột biến xoá đoạn gây nên. Các đột biến xoá 2 đoạn thường gặp ở Châu Á là SEA, FIL, MED, gọi là kiểu gien αº. Khi con đón nhật đột biến xoá 2 đoạn này từ bố/mẹ kết hợp với 1 đột biến xoá 1 đoạn của người kia thì sẽ thành HbH thể trung bình nhẹ. Những người này thường không phải truyền máu định kỳ mà chỉ truyền máu khi có biến cố lớn về sức khoẻ. Tuy nhiên vẫn có đột biến xoá đoạn đặc biệt dẫn đến thiếu máu truyền máu suốt đời, đó là các đột biến xoá đoạn ở Cd59, Cd66, Cd30, Cd35. Ở những người này HbBart trong kết quả điện di sau sinh lên đến 31-65%.
Các thể HbH từ trung bình đến nặng và cần truyền máu định kỳ là do kết hợp các đột biến dịch chuyển gien. Khi các codon bị dịch chuyển sẽ gây nên sự ảnh hưởng đến cả chuỗi codon trên toàn bộ NST nên tác động của chúng là rất lớn. Người bị đột biến HbH thể nặng có thể là 2 gien xoá đoạn kết hợp với 1 gien dịch chuyển. Theo nghiên cứu đã tìm ra hàng chục các kiểu loại dịch chuyển hay xoá đoạn khác nhau trên NST 16.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm về sự dịch chuyển ở codon 142 khiến cho chuỗi alpha bị dài ra, là một dạng Hb Constant Spring, khiến hồng cầu kém ổn định, chúng rất dễ tan, dễ bị ảnh hưởng bới các tác động như nhiệt độ, oxy hoá tế bào. Vì vậy những người có đột biến này thường rất dễ gặp phải các cơn tan máu cấp dẫn đến phải truyền máu, đặc biệt là khi ốm sốt, sử dụng thuốc có tính oxy hoá cao, ăn thực phẩm có tính oxy hoá cao như các dòng họ đậu (broad beans, fava).
Về hướng điều trị giảm nhẹ, với HbH cần sử dụng folate (dạng folic dễ tan và không tích trữ gây độc), multi vitamin bao gồm vitamin E để giảm sự oxy hoá tế bào, kẽm và canxi để bổ sung hỗ trợ tuỷ xương khi chúng bị làm việc quá mức. Về tương lai, những người bị HbH không truyền máu có nguy cơ dư sắt không cao, và thường trên 45 tuổi mới thấy dư sắt. Nhìn chung, nếu so sánh với beta thalassemia thể nặng thì alpha thalassemia có phần nhẹ hơn và ít hậu quả hơn, tuy nhiên lại khó dự đoán và có thể có những cơn tan máu cấp tính trong những điều kiện đặc biệt.
Bạn nào cần hỗ trợ thêm về tư vấn chăm sóc giảm nhẹ thalassemia thì ib Trang nhé.
—-
Tổng hợp tài liệu từ các nghiên cứu
Viết bởi DS Nguyễn Lê Trang
(mẹ Pitu)

Leave Comments

0868396630
0868396630
error: Nội dung được bảo vệ!!